Chùa Cổ Am – Ngôi cổ tự trăm tuổi tại Nghệ An

Chùa Cổ Am không chỉ là một trong các ngôi chùa linh thiêng bậc nhất miền Trung, mà còn là chứng nhân cho nhiều thăng trầm phát triển của miền đất Nghệ An. Ngôi chùa cổ kính ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ, không gian tươi mát, lưng tựa núi đi kèm kiến trúc đẹp và hoành tráng đúng phong cách chùa chiền thời xa xưa. Bạn là một tín đồ Phật giáo, muốn tìm hiểu về điểm đến của Nghệ An này thì theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin nhé!

1. Đôi nét về Chùa Cổ Am 

Chùa Cổ Am như một viên ngọc quý thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai. Chùa ẩn mình giữa bức tranh rừng núi hùng vĩ, khoác lên mình thiết kế đặc sắc của Phật Giáo phương Đông với lối kiến trúc hoành tráng. Chùa có một vẻ đẹp cổ kính xưa cũ pha lẫn với hiện đại sau khi được tu sửa. 

Kiến trúc chùa tinh xảo chắc chắn khiến bất kỳ du khách nào đến đây đều sẽ thấy thật ngỡ ngàng. Du khách sẽ có những phút giây thư giãn, yên bình, tránh xa mọi ồn ào, lo toan hay khói bụi nơi thành thị để tìm về sự thanh tịnh cho tâm hồn, suy nghĩ, giúp bạn giảm bớt áp lực từ cuộc sống.

Chùa Cổ Am toạ lạc giữa núi rừng hùng vĩ
Chùa Cổ Am toạ lạc giữa núi rừng hùng vĩ

2. Hướng dẫn di chuyển tới Chùa Cổ Am

Chùa Cổ Am thuộc quần thể di tích Lèn Trống và Lèn Hai Vai, thuộc địa phận xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Chùa cách thành phố Vinh chừng 47km, mất khoảng 1 giờ đồng hồ lái xe. Bạn có thể đến đây qua nhiều phương tiện di chuyển như: bắt taxi, đi xe bus/xe khách hay tự di chuyển với xe cá nhân. 

Hướng dẫn di chuyển đến Chùa Cổ Am:

  • Cách 1: Đi xe khách

Bạn có thể di chuyển từ thành phố Vinh đến chùa bằng xe khách. Bạn có thể đặt xe của các nhà xe uy tín như: Đức Bình, Hùng Thục, Giang Anh,…thời gian xe khởi hành từ 6 – 9 giờ mỗi ngày tại bến xe trung tâm Vinh với giá vé dao động từ 50.000 – 80.000 VNĐ. Bạn chỉ cần nói điểm đến với tài xế/phụ xe để được nhắc nhở điểm xuống phù hợp. 

  • Cách 2: Đi với xe cá nhân 

Bạn hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe máy hay ô tô cá nhân để đến được chùa Cổ Am. Đường đi tính từ trung tâm thành phố Vinh khoảng 1 giờ lái xe. Bạn đi theo hướng đường Lê Nin, rẽ phải vào đường lý Thái Tổ – Thăng Long. Sau đó, bạn đi thẳng theo Quốc Lộ 1A khoảng 40km. Rẽ tiếp bên phải để vào quốc lộ 7A, đi thêm khoảng 2km thì rẽ trái để vào đường Diễn Minh, đi thêm 1km nữa là đến cổng chùa.

  • Cách 3: Đi Taxi

Bạn nếu chưa từng tới Nghệ An, không am hiểu các cung đường ở đây, tốt nhất hãy đặt/bắt xe taxi, grab,… để được các tài xế có kinh nghiệm, hiểu đường địa phương đưa bạn “đến nơi đến chốn”.

Ngôi Chùa Cổ Am cách thành phố Vinh gần 1 tiếng đồng hồ di chuyển
Ngôi Chùa Cổ Am cách thành phố Vinh gần 1 tiếng đồng hồ di chuyển

3. Lịch sử hình thành Chùa Cổ Am

Chùa Cổ Am đến nay đã có trên 600 năm lịch sử hình thành và phát triển, chùa được xây dựng giữa thế kỷ XV. Ban đầu, chùa chỉ là một am nhỏ tọa lạc trên núi đá Hổ Lĩnh, phục vụ nhu cầu lễ bái thần núi, thần Phật của người dân, có tên gọi là Am Sơn Tự.

Cuối thời Hậu Lê thế kỷ XVIII, Diễn Minh có nhiều hiện tượng tâm linh khó giải thích, nên Am Sơn Tự được người dân và quan cai quản chú ý hơn, đầu tư am tự đã được dời xuống chân núi, mở rộng quy mô, đổi tên lần nữa thành Hương Phúc Tự. Vào đời vua Minh Mạng thứ 11, chùa lại được tu sửa và có tên mới là Hương Linh Tự, rồi Cổ Am Tự được đặt cho đến ngày nay. 

Chùa chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử của đất nước, điển hình là trận chiến Lê -Mạc của Quận công Phan Công Tính và Mạc tướng Nguyễn Quyện dẫn đầu tại núi Hai Vai. Thời kỳ đất nước bị thực dân xâm lược, chùa chứng kiến sự đau thương, tàn phá của quân địch trên mảnh đất Việt Nam, bản thân chùa cũng hứng chịu nhiều trận bom đạn, tan tác và hoang phế.

Tháng 12/1994, Cổ Am Tự được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch ghi nhận chính thức là một di tích lịch sử quốc gia. Đến năm 2010, sư thầy Thích Chân Tính đã đặt viên gạch đầu tiên để cải tạo xây dựng lại Cổ Am Tự khang trang, đẹp đẽ như hiện nay để đón sự ghé thăm và kính lễ của du khách, Phật tử gần xa.

Ngôi chùa Cổ Am cổ kính hơn 600 năm tuổi
Ngôi chùa Cổ Am cổ kính hơn 600 năm tuổi

4. Vẻ đẹp của Chùa Cổ Am

4.a  Không gian Chùa Cổ Am

Khuôn viên chùa diện tích 14ha thiết kế hai tầng riêng biệt theo phong cách chùa chiền truyền thống Việt Nam. Tầng trên là khu chính điện – nơi làm lễ thường ngày, ở giữa đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni dát vàng cao 5m. Tầng dưới là khong gian chung có nhiều cây cảnh, và được vây quanh bởi tượng 18 vị La Hán đá xanh.

Những bức tượng linh thiêng này như các “vị thần bảo vệ” để chùa có sự trang nghiêm hơn, thể hiện nơi đây vô cùng bình yên, an lạc để Phật tử ghé đến tu tập, chiêm bái. Tăng đường của chùa được thiết kế riêng biệt 3 khu. Từ năm 2013 chùa đã được đầu tư để xây dựng thêm nhiều công trình gia tăng sự độc đáo về kiến trúc gồm: Bảo Tháp, động Như Ý, nhà tăng, vườn La Hán,…

4.b Kiến trúc và Nghệ thuật

Chùa Cổ Am có các hạng mục lớn là: Đại hùng bảo điện, nhà tăng, bảo tháp, động Như Ý, động Quan Âm, vườn La – Hán…Mọi công trình đều được thiết kế theo phong cách chùa xa xưa của Phật giáo Việt Nam. Đại Hùng Bảo Điện là trung tâm khuôn viên chùa, có 2 tầng, tầng trên là chính điện để thực hiện nghi lễ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Phật tử, người dân.  

Vườn La Hán nằm bên hông chính điện, dựng lên tượng phù điêu Thích Ca, xung quanh chùa có bố trí 18 tượng La Hán đá xanh uy nghiêm. Phía xa góc khuôn viên là hang động Như Ý có một bảo tượng Quan Âm và tượng ngài Cấp Cô Độc.

 

Điểm đặc biệt, toàn bộ công trình Phật giáo này có khắc rất nhiều tài liệu, phù điêu về câu chữ, lời răn của Đức Phật bằng tiếng Việt, đặt tại các vị trí dễ nhìn, trang nghiêm. Nét chữ chân phương, mộc mạc, khắc dấu như in đậm lại để mọi du khách, Phật tử ghé thăm đều có thể đọc, chiêm nghiệm. 

Tham quan động Như Ý tại Cổ Am Tự sẽ đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Đây là một hang động hoàn toàn thạch nhũ thiên nhiên, có vẻ đẹp mộc mạc và cuốn hút lạ thường. Tiếp đến, du khách hãy đến chiêm ngưỡng và chiêm bái tượng Quan Âm mệnh danh là lớn nhất Nghệ An. Tượng điêu khắc với ba mặt hướng ba phía khác nhau với thiết kế không có khác biệt.

Tượng Phật bà Quan Âm 3 mặt trang nghiêm tại Chùa Cổ Am 
Tượng Phật bà Quan Âm 3 mặt trang nghiêm tại Chùa Cổ Am

5. Thời điểm ghé thăm Chùa Cổ Am đẹp nhất

Du khách, Phật tử có thể đến thăm quan, khám phá Chùa Cổ Am bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng thời điểm đẹp nhất là vào mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch. Thời điểm này rừng núi tuyệt đẹp với cảnh sắc xanh tươi, chùa được trang hoàng lộng lẫy sau những ngày đón Tết Cổ Truyền cùng không khí mát mẻ.

Thời điểm khác du khách hãy sắp xếp ghé đến chùa là từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Thời điểm này trời đất chuyển giao giữa mùa hè thu, không khí mát mẻ, trong lành, cảnh sắc giao mùa tuyệt đẹp. Bạn không nên đến thăm chùa vào mùa đông hay mùa mưa, vừa khiến bạn di chuyển khó khăn, không thể chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh sắc của chùa, lại gia tăng nguy cơ gặp sạt lở vì chùa gần đồi núi.

Chùa Cổ Am rực rỡ những ngày đầu năm
Chùa Cổ Am rực rỡ những ngày đầu năm

6. Đời sống Tâm linh và Hoạt động Thường ngày tại Chùa Cổ Am

Chùa Cổ Am không chỉ là một thánh địa tôn nghiêm, linh thiêng để du khách, Phật tử bốn phương tìm về chiêm bái, kính Phật ngày thường, ngày đầu năm hay dịp rằm, mồng một hàng tháng. Chùa cũng có nhiều hoạt động lớn nhân dịp các ngày lễ quan trọng của Phật giáo. 

Chẳng hạn như: lễ cầu an đầu năm, đại lễ Phật Đản rằng tháng 4 Âm lịch, đại lễ Vu Lan Báo hiếu tháng 7 âm lịch, lễ kỷ niệm ngày sinh Đức Phật A Di Đà, lễ kỷ niệm ngày thành đạo của Đức Phật Thích Ca… Ngoài ra, hàng tháng chùa có tổ chức các buổi dạy giáo lý, khóa học tu tập niệm Phật, giúp các Phật tử trau dồi kiến thức Phật học, tìm thấy sự an lạc cho bản thân. 

Chùa Cổ Am còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người dân các khu vực khó khăn sau thiên tai, bão lũ,… hay mở ra các khóa học giáo dục thể chất, rèn luyện tâm tính cho giới trẻ, thanh thiếu niên. Học viên có thể đăng ký các lớp học võ Karate, tu học hè, … để phát triển bản thân.

Một khóa học tu tập và rèn luyện thể chất cho thanh thiếu niên dịp hè tại Chùa Cổ Am 
Một khóa học tu tập và rèn luyện thể chất cho thanh thiếu niên dịp hè tại Chùa Cổ Am

7. Một số lưu ý cần biết trước khi đến khám phá Chùa Cổ Am

Chùa là điểm đến linh thiêng, nên du khách khi đến tham quan, chiêm bái hãy chú ý các điều sau:

  • Chú ý chọn trang phục lịch sự, phù hợp, không mặc đồ quá ngắn, áo/váy hai dây, quá màu mè,…
  • Nói năng khiêm tốn, lịch sử, đi đứng nhẹ nhàng 
  • Thành tâm cầu nguyện, tiền chiêm bái bỏ vào thùng công đức, không đặt lung tung
  • Không tùy ý chạm, lấy, cất giữ bất cứ món đồ nào trong chùa
  • Giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi quy định
  • Không dẫm đạp lên cỏ, cây cối, hoa lá, không bôi bẩn lên tường vách trong chùa
  • Muốn quay phim, chụp ảnh điện thờ cần xin phép ban quản lý chùa.

    Lễ chẩn tế siêu bạt độ Chùa Cổ Am 
    Lễ chẩn tế siêu bạt độ Chùa Cổ Am

Lời kết 

Bạn nếu có dịp đến vùng đất anh hùng Nghệ An, đừng quên ghé thăm Chùa Cổ Am để tham quan, hành hương, chiêm ngưỡng cảnh chùa. Những giây phút đến đây sẽ giúp bạn có những sự an yên trong tâm hồn, cũng như để tìm hiểu thêm về phật giáo nước nhà hay các giai thoại lịch sử dân tộc. 

HanKan
HanKan
Mình Là Hankan một người đam mê tâm linh và nhiếp ảnh thích khám phá những điều bí ẩn của thế giới qua con đường tâm linh, tìm kiếm sự kết nối tinh tế giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh.

Đọc Thêm

- Quảng Cáo -